QĐND - Làm thế nào để mỗi người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn được tiếp cận và được đọc sách thường xuyên để nâng cao dân trí? Câu hỏi đó cứ thường trực trong chàng thanh niên trí thức nghèo và sự trăn trở ấy đã thúc giục anh đi đến nhiều miền quê khắp cả nước để tìm hiểu cách đưa sách đến với người dân...
Từ ý tưởng “Tủ sách dòng họ”… Ngay từ khi là sinh viên Trường Đại học Vinh, Nguyễn Quang Thạch, ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã trăn trở: “Dân mình nghèo, một phần do dân trí thấp, chỉ có tri thức mới có thể giải quyết gốc rễ các vấn đề và góp phần nâng cao trình độ dân trí”, nhất là với nông dân - đối tượng còn nhiều thiệt thòi. Nguyễn Quang Thạch nghĩ suy về sách khi nhiều nông dân chủ yếu vẫn còn lo cái ăn, cái mặc và chiếc cày, chiếc đòn gánh đã tồn tại hàng trăm năm. Khát vọng đưa sách về nông thôn đã thôi thúc anh hành động không ngừng nghỉ trong một thời gian dài. Anh đã nghiên cứu kết cấu cộng đồng theo hệ thống chính quyền, cũng như các đặc tính văn hóa vùng miền để thiết kế ra những mô hình thư viện phù hợp. Dòng họ là nơi dễ huy động tài lực và nhân lực để làm đòn bẩy cho tiến trình đưa sách về nông thôn đạt yếu tố bền vững và tự nhân rộng. Hàng trăm dòng họ đã có quỹ khuyến học. Hầu hết các dòng họ đều có các sĩ quan quân đội, công an, công chức, doanh nhân và trí thức đang sinh sống ở các thành phố và trong số họ đều lo cho dòng tộc mình ở thôn quê bằng những hành động cụ thể như góp tiền xây mộ, xây nhà thờ, biên soạn gia phả... Theo Thạch: “Các công chức hằng năm chỉ đóng góp khoảng vài triệu đồng thì có thể mua được hàng trăm đầu sách để hàng nghìn người ở thôn quê có sách đọc. Vài triệu đồng có thể chỉ là một khoản nhỏ của các gia đình khá giả, nhưng cái bền vững và truyền thống hiếu học của dòng họ sẽ được nhân lên khi có tủ sách”. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét